Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

WhatsApp đạt 300 triệu người dùng, thêm tin nhắn thoại

Cán mốc 300 triệu

WhatsApp đạt mốc 300 triệu người dùng thường xuyên.

Từ một ý tưởng rất đơn giản, thiết kế không lấy gì làm mới mẻ và giữa rất nhiều đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên, bằng cách nào đó, WhatsApp ứng dụng nhắn tin đa nền tảng trên các thiết bị di động đang trở thành một trong những ứng dụng thành công nhất, tờ AllThingsD nói.

Sau 4 năm phát triển, đến thời điểm hiện tại, WhatsApp đã có 300 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Trong đó có 20 triệu người dùng thường xuyên ở các nước Đức, Mexico, Ấn Độ và Tây Ban Nha.

Mỗi ngày, người dùng WhatsApp gửi 11 tỷ tin nhắn và nhận về 20 tỷ tin nhắn mỗi ngày. Sự chênh lệch này là do một tin nhắn có thể gửi đi cho nhiều người khác nhau nằm trong danh sách.

Ở Brunei, 70% dân số của đảo quốc này sử dụng WhatsApp, ngay cả những người không sở hữu smartphone. Tương tự, ở đặc khu Hồng Kông, 50% người dân nơi đây sử dụng ứng dụng nhắn tin miễn phí này.

Người dùng WhatsApp chia sẻ cho nhau 325 triệu bức ảnh mỗi ngày, theo Jan Koum, người sáng lập và cũng là CEO của WhatsApp nói trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của WhatsApp nằm bên trong một công ty công nghệ khác ở Califonia.

Vậy kế hoạch của WhatsApp sắp tới sẽ là gì? Một dịch vụ thanh toán trực tuyến trên di động hay một nền tảng ứng dụng mới hay một thứ gì đó điên rồ hơn? Câu trả lời của WhatsApp chính là: Nhắn tin giọng nói tức thời.

Nhắn tin giọng nói

Tính năng nhắn tin giọng nói của WhatsApp được cung cấp cho tất cả các nền tảng

Ngày hôm qua, 7/8, WhatsApp đã chính thức bổ sung tính năng nhắn tin bằng giọng nói cho ứng dụng của mình ở tất cả các nền tảng, từ iPhone, BlackBerry, Android, Windows Phone và Nokia.

Thực tế, nhắn tin bằng giọng nói đã xuất hiện trên Facebook Messenger cũng như nhiều ứng dụng nhắn tin miễn phí khác. Tuy nhiên, Koum khẳng định rằng, tính năng này của WhatsApp là một sự cải tiến khiến việc nhắn tin giọng nói trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Koum nói rằng, để nhắn tin bằng giọng nói trên Facebook Messenger, người dùng ít nhất phải thực hiện 3 thao tác. Trong khi đó, người dùng WhatsApp chỉ cần một thao tác mà thôi.

Với phím micro xuất hiện ngay trên thanh nhập liệu, chỉ cần một lần chạm người dùng có thể thực hiện việc ghi âm giọng nói của mình. Nếu như không muốn gửi tin nhắn, người dùng chỉ cần vuốt sang bên phải là đoạn ghi âm sẽ bị xóa bỏ.

WhatsApp cũng không giới hạn thời gian ghi âm của các tin nhắn giọng nói đồng thời, nó cũng tự động chuyển loa khi được cầm trên tay hoặc đưa lên sát tai. Bên cạnh đó, WhatsApp cũng bổ sung một biểu tượng màu xanh giúp người dùng có thể biết được người nhận đang nghe tin nhắn của mình.

“Sẽ rất yên tâm nếu như bạn biết được rằng người nào đó đang nghe tin nhắn của mình”, Koum nói.

Koum cũng cho biết, anh đã phải mất sáu tháng ròng rã để phát triển tính năng nhắn tin giọng nói cho WhatsApp và anh gọi nó là “dự án cưng” của mình.

Khác với Google hay Facebook thường có những nhóm khác nhau làm việc với các nền tảng khác nhau theo sự ưu tiên của mỗi hãng, WhatsApp phát triển cho tất cả các nền tảng cùng lúc, dù chỉ với 45 thành viên.

Tính năng nhắn tin giọng nói của WhatsApp sẽ được cung cấp cho người dùng ở tất cả các nền tảng trong vòng 24h, Koum khẳng định.

Nói không với quảng cáo

Jan Koum, người sáng lập đồng thời là CEO của WhatsApp.

Sau một năm phát triển, WhatsApp chính thức thu phí 0,99 USD/năm, trở thành ứng dụng nhắn tin đầu tiên có thu phí người dùng. Mặc dù không tiết lộ có bao nhiều phần trăm người dùng trả tiền để sử dụng WhatsApp, tuy nhiên, Koum nhiều lần khẳng định rằng, WhatsApp sẽ nói không với quảng cáo.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Á như WeChat và Line đang mở rộng thị trường sang game và các ứng dụng phụ trợ thì Koum khẳng định, anh không có hứng thú với bất cứ thứ gì liên quan tới kinh doanh quảng cáo.

Trong vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra tại Tây Ban Nha hồi tháng trước, một người phụ nữ đã được cứu thoát từ đống đổ nát nhờ tin nhắn mà cô gửi cho chồng mình qua ứng dụng WhatsApp. “Bạn có thể tượng tượng sẽ ra sao nếu như người phụ nữ đó nhìn thấy các hình ảnh quảng cáo trước khi cô ấy nhắn tin cho chồng trong hoàn cảnh đó”, Koum nói.

“Bạn có thể tưởng tượng nếu như bạn bật công tắc đèn và phải xem một đoạn quảng cáo trước khi có điện? Hay tưởng tượng bạn mở vòi nước và phải xem một quảng cáo trước khi nước chảy ra?”, Koum bổ sung thêm.

Mỗi một công ty có một chính sách và triết lý kinh doanh riêng. Thay vì kinh doanh quảng cáo, WhatsApp thu phí và đầu tư tất cả vào việc phát triển các tính năng xoay quanh nền tảng nhắn tin của mình. Đó có thể không phải là con đường nhiều người lựa chọn nhưng nó không hẳn là một lựa chọn sai lầm nhất là trong thời đại của smartphone và tin nhắn như hiện nay.

Lê Văn(TheoAllThingsD)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét